Ở mỗi miền sẽ có phong tục, tập quán ăn uống khác nhau nên mâm cỗ ngày Tết cũng sẽ khác nhau. Giống như phong tục ở mọi miền đất nước, con người miền Nam cũng có các món ăn đặc trưng mang đậm bản sắc văn hóa riêng trong ngày Tết. Hãy cùng khám phá mâm cỗ ngày tết miền Nam có gì đặc sắc trong bài viết dưới đây.
Trong khi bánh tét ở miền Trung theo sự giản dị, chỉ khác bánh chưng về hình dáng, thì bánh tét ở miền Nam được sáng tạo rất nhiều.
Bánh tét miền Nam có 2 loại chính là bánh tét nhân mặn và nhân ngọt. Nhân mặn ngoài loại có đậu và thịt mỡ truyền thống, nhiều nhà gói bánh tét còn có trứng muối, lạp xưởng… với nhiều khẩu vị khác nhau.
Bánh tét món ăn không thể thiếu ngày tết của người miền nam
Trong khi đó bánh tét nhân ngọt phổ biến với nhân chuối, đậu đỏ hay đậu xanh. Bánh tét miền Nam, nhất là miền Tây Nam Bộ rất bắt mắt, ngoài cách gói vuông vức, chắc đẹp, nếp nấu bánh còn được nhuộm màu rau ngót và lá cẩm để tạo nên màu sắc nổi bật, hấp dẫn.
Một nét độc đáo trong mâm cỗ ngày Tết miền Nam không thể không nhắc đến là canh khổ qua. Thường chỉ có người dân miền Nam mới có phong tục trưng bát canh khổ qua trong mâm cơm ngày Tết.
Theo quan niệm của người dân miền Nam thì canh khổ qua là món ăn với mong ước sẽ qua đi sự cơ cực, không may mắn và bắt đầu một năm mới tươi sáng.
Và tất nhiên khi chúng ta điểm danh các món ăn trong mâm cỗ ngày Tết miền Nam không thể thiếu sự góp mặt của chả giò hay còn biết đến với tên nem rán.
Chả giò miền Nam là sự kết hợp của thịt nạc, nấm mèo, miến, củ quả, trứng gà,... gói đầy đặn trong lá nem.
Những miếng chả giò thơm ngon, giòn rụm và đặc biệt ngoài món chả giò nhân mặn còn có sự góp mặt của món chả giò nhân hoa quả.
Một món ăn quen thuộc trong mâm cỗ ngày Tết là món thịt kho (còn gọi là thịt kho hột vịt hoặc thịt kho nước dừa) và chỉ có ở miền Nam mới có cách nấu thịt kho ngon và hấp dẫn không ai sánh bằng.
Thịt kho là thịt ba rọi thái thành miếng to cỡ 3 ngón tay ướp với các gia vị là nước mắm, đường, hành tỏi, ớt… Thịt được nấu sôi với nước dừa xiêm thì cho trứng đã luộc vào kho chung, ninh đến khi thịt mềm và nước trong nồi có màu cánh gián là được.
Lạp xưởng là món ăn phổ biến của của người dân miền Nam, người miền Nam mua hoặc tự làm lạp xưởng để ăn và đãi khách đến chơi như một món quà đầu năm đầy ý nghĩa.
Giống như món dưa hành ở miền Bắc, dưa món của người miền Trung, củ kiệu ngâm chua là món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết của người miền Nam. Món ăn được chuẩn bị trước Tết khoảng 10 ngày. Khi ăn, mọi người thường ăn kèm củ kiệu muối chua với một ít tôm khô để món ăn thêm đậm đà và ngon miệng.
Trên đây là những món ăn cổ truyền có trong mâm cỗ ngày tết miền Nam. Các món ăn trong ngày Tết đã là phong tục đặc trưng của người Việt, mỗi vùng miền mang đến các món ăn khác nhau nhưng đều có 1 ý nghĩa rất lớn là sự tưởng nhớ đến tổ tiên, mọi người trong gia đình sum họp với nhau cùng thưởng thức hương vị các món ăn ngon của ngày Tết và cầu mong 1 năm mới hạnh phúc.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét