Có thể nói, bữa cơm ngày tết hay còn gọi là bữa cơm tất niên là nét văn hoá, in đậm trong tâm trí người Việt. Đây đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Theo phong tục, bữa cơm cúng Tất niên là nghi thức tiễn năm cũ, đón năm mới và được tiến hành vào chiều và tối 30 Tết, trước lễ cúng giao thừa. Vậy ý nghĩa mâm cơm ngày tết là gì? Mời bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây.
Bữa cơm tất niên vào chiều cuối năm là khoảnh khắc thiêng liêng của tất cả các gia đình. Sau một năm làm ăn, học hành vất vả vào những ngày cuối năm, mọi người dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, tươm tất và chuẩn bị bữa cơm ngày tết để sum họp lại bên nhau.
Không chỉ là một bữa cơm bình thường, bữa cơm ngày tết còn là lúc mọi người cùng nhau chia sẻ những khó khăn, những vui buồn của năm cũ, cùng nhau gửi lời chúc tốt đẹp cho một năm mới sắp đến.
Cứ như vậy, bữa cơm ngày tết là bữa tiệc thường niên của người Việt. Đây là phong tục tập quán lâu đời mang nét đẹp văn hóa của người Việt.
Mâm cơm tết của miền Bắc
Mâm cơm ngày Tết với nhiều món ăn truyền thống, cho dù từ xa xưa hay đến bây giờ, và mỗi một món ăn đều mang một ý nghĩa nhất định. Nhưng nhìn tổng chung, ý nghĩa mâm cơm ngày Tết chứa đựng nhiều mong mỏi, cầu ước cho một năm mới bình an, hạnh phúc, thành công.
Vậy trong mâm cơm ngày Tết thường có những món ăn gì?
Bữa cơm ngày tết được làm thịnh soạn hơn ngày thường. Tùy từng vùng miền mà có các đặc trưng riêng.
Như miền Bắc thì có canh móng giò hầm măng, miến lòng gà, xôi, bánh chưng, nem, giò lụa và giò xào…
Còn miền Trung thì có bánh chưng, bánh tét, giò lụa, gà bóp rau răm, thịt heo luộc và giá chua…
Đối với miền Nam hay có bánh tét, canh măng, thịt kho tàu, nem và chả giò…
Bên cạnh những món mặn nói trên thì ở miền nào cũng không thể thiếu mâm ngũ quả. Mâm ngũ quả để cúng gia tiên các gia đình nên chọn những loại hoa quả thông dụng và có thể ăn được. Các gia đình có thể chọn 5 loại quả khác nhau, mỗi loại sẽ tượng trưng cho ước nguyện của gia chủ thông qua tên gọi và màu sắc của loại quả đó.
Cần lưu ý mâm ngũ quả không nên dùng hoa quả xanh hay hoa quả giả (bằng nhựa) để cúng gia tiên. Đồng thời không nên đặt mâm ngũ quả trước chính giữa bát hương vì theo quan niệm nếu đặt ở đây sẽ chắn mất trục khí chính, vì vậy gia chủ nên để mâm ngũ quả ở hai bên.
Ngoài ra, bữa cơm cúng tất niên không thể thiếu hương và đèn. Trong đó, hương tượng trưng cho tinh tú là sự nối kết giữa âm và dương. Còn đèn tượng trưng cho mặt trăng và mặt trời (do đó luôn phải có 2 cây đèn ở hai bên bàn thờ).
Với ý nghĩa mâm cơm ngày tết như thế, mặc dù cuộc sống ngày càng vội vã nhưng các gia đình Việt vẫn luôn duy trì bữa cơm tất niên chiều 30 tết như một phong tục đẹp. Bữa cơm tất niên ngày tết để lại dấu ấn trong mỗi người một cảm xúc khó quên và dù có đi đâu xa, người Việt vẫn thường nhớ đến bữa cơm đặc biệt này, và cùng hướng về nơi có người thân đang quây quần bên mâm cơm tiễn biệt năm cũ và chuẩn bị đón năm mới.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét