Cứ vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch hàng năm, là ngày Táo Quân cưỡi cá chép bay về trời để trình báo những việc xảy ra trong gia đình. Ông Táo quanh năm ở trong bếp nên biết hết tất cả mọi việc tốt xấu của mọi người. Vì vậy, để ông Táo “ phù trợ’ cho gia đình được nhiều may mắn thì người dân thường làm lễ đưa ông Táo về trời rất long trọng. Vậy, đồ cúng ông Công ông Táo bao gồm những gì? Bạn cần lưu ý điều gì để chuẩn bị cho dịp lễ cuối năm nay. Hãy tham khảo bài viết dưới đây nhé!
Từ xưa, người dân Việt Nam đã có quan niệm rằng: Thờ cúng ông Táo với hy vọng Táo Quân sẽ giúp giữ “bếp lửa” trong gia đình luôn nồng ấm và hạnh phúc. Mâm lễ cúng ông Táo đầy đủ với mong ước một năm gia đình sung túc. Tuy nhiên, tùy vào điều kiện và hoàn cảnh của gia đình để sắm sửa mâm cúng phù hợp.
Vậy đồ cúng ông Công ông Táo bao gồm những gì? Một mâm lễ cúng này thường gồm có:
- Hai mũ ông và một mũ bà. Mũ có hai cánh chuồn là dành cho Táo ông, còn mũ cho Táo bà thì không có cánh chuồn. 3 con cá chép làm “ngựa” để đưa Táo quân về trời.
- Quần áo giấy cho Táo quân: 2 bộ cho nam, 1 bộ cho nữ. Màu sắc của quần áo sẽ thay đổi hằng năm theo ngũ hành. Năm hành kim thì dùng màu vàng, năm hành mộc thì dùng màu trắng, năm hành thủy thì dùng màu xanh, năm hành hỏa thì dùng màu đỏ và năm hành thổ thì dùng màu đen.
- Vàng mã. Lưu ý là không được đốt tiền âm phủ vì họ là thần tiên, họ không phải là những vong hồn nên nếu đốt tiền âm phủ họ sẽ không nhận.
Những đồ này sẽ được đốt sau lễ cúng ông Táo.
Bạn đã biết được đồ cúng ông Công ông Táo bao gồm những gì. Đồng thời, tùy vào điều kiện của gia chủ mà có thể chuẩn bị mâm lễ mặn hoặc mâm lễ ngọt hay mâm lễ chay.
Một mâm lễ mặn cúng ông Công ông Táo thường thấy bao gồm:
- Một con gà luộc chéo cánh ( có thể thay thế bằng thịt heo).
- Đĩa xôi gấc (có thể thay thế bằng xôi đậu, xôi nếp,..).
- Đĩa xào thập cẩm, bát canh mọc.
- Đĩa bánh chưng.
- Một chén gạo và một chén muối.
- Miền Bắc thì chuẩn bị cá chép sống thẻ trong chậu nước với ngụ ý “cá hóa rồng đưa ông Táo về trời và sẽ được phóng sinh sau khi cúng. Ở miền Trung thì chuẩn bị con ngựa bằng giấy với yên, cương đầy đủ. Miền Nam thì chuẩn bị cá chép bằng giấy. Tùy vào mỗi vùng miền mà bạn chuẩn bị khác nhau.
- Đĩa trái cây ngũ quả.
- Hương, cặp nến, lọ hoa.
- Đĩa trầu cau, 3 chén rượu, 1 ấm trà.
Ngoài ra có thể chuẩn bị thêm chè hoa cau hoặc chè trôi nước, chè kho, các loại bánh ngọt để mâm lễ cúng ông Công ông Táo thêm trang trọng.
Cần chú ý là lễ cúng tiễn đưa Ông Táo chầu Trời được cúng vào tối ngày 22 tháng Chạp Âm lịch hàng năm. Vì đầu ngày 23 tháng Chạp Ông Táo đã chầu trời. Nếu để sang ngày 23 tháng Chạp mới cáo lễ tiễn đưa Ông Táo về Trời, e rằng Ông Táo sẽ không nhận được lễ vật thành tâm của gia chủ.
Sau khi bày lễ, thắp hương và khấn vái xong, đợi hương tàn lại thắp thêm một tuần hương nữa, lễ tạ rồi hóa vàng mã và thả cá chép ra ao, hồ, sông, suối… để thả cá (hoặc đốt cá chép, ngựa bằng giấy) chở ông Táo lên chầu Trời.
Đồ cúng ông Công ông Táo không cần quá cầu kỳ nhưng lại cần sự trang trọng và chu đáo để thể hiện được tấm lòng thành của gia chủ trước các vị thần cai quản đất đai và vị thần cai quản bếp núc nhà mình. Hi vọng với những thông tin trên sẽ giúp bạn trả lời được câu hỏi: đồ cúng ông Công ông Táo bao gồm những gì?
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét